Tình trạng vết thủng tầng ozon, hiệu ứng nhà kính ngày càng mạnh, dẫn đến biến đổi khí hậu: băng tan, nước biển dâng cao, bão lụt và mưa dông, nóng lạnh bất thường… đang là vấn nạn của thế giới. Vì vậy các phát minh, sáng chế tiết kiệm tối đa sử dụng năng lượng hóa thạch và tài nguyên xanh của thiên nhiên trong công nghệ sản xuất hàng hóa nói chung, công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng nói riêng là việc làm có ý nghĩa rất lớn, mang tính cách mạng thời đại không những ở nước ta mà cả trên phạm vi toàn thế giới.

Trên thế giới sử dụng bê tông nhẹ hơn 100 năm nay, càng ngày bê tông nhẹ càng được chú trọng phát triển rất mạnh cả về số lượng, chất lượng, công nghệ và trang thiết bị sản xuất.

Ở các nước phát triển, xu hướng sử dụng bê tông nhẹ trong xây dựng các chủng loại công trình đang thay thế dần và sẽ thay thế hoàn toàn gạch đất nung. Việc lựa chọn công nghệ sản xuất bê tông nhẹ phụ thuộc vào vị trí địa lý, yếu tố kinh tế, đặc điểm văn hóa và đặc thù khí hậu ở mỗi nước, trong đó, đặc điểm khí hậu có vai trò quan trọng nổi bật nhất: công nghệ sản xuất bê tông khí có chưng áp thường được phát triển ở những vùng có khí hậu lạnh như vùng Bắc Âu, Nga, Bắc Mỹ, Canada, Nhật Bản, Bắc Trung Quốc, v.v…; ở những nước có khí hậu ấm, nóng và khô hơn như các nước Đông Âu, các nước Cộng hòa Arap, các nước Nam Á, các nước Đông Nam châu Á, công nghệ sản xuất bê tông bọt không chưng áp lại được ưu tiên phát triển.

Nói về sản xuất và sử dụng bê tông bọt trong xây dựng thì châu Âu là quê hương của bê tông bọt, bê tông khí chưng áp và cho đến nay vẫn là nơi dẫn đầu thế giới ở lĩnh vực này kể cả về công nghệ, thiết bị sản xuất, chủng loại và số lượng sản phẩm. Cũng ở châu Âu, nhưng các nước Đông Âu lại phát triển sản xuất bê tông bọt nhiều hơn các nước Bắc Âu: Hàng năm, đất nước Ba Lan có khối lượng sản xuất bê tông bọt chiếm tới 45%, tại Liên bang Đức là 35% tổng khối lượng bê tông bọt do tất cả các nước châu Âu sản xuất. Châu Âu cũng là nơi có nhiều hãng sản xuất công nghệ bê tông bọt nổi tiếng khắp thế giới như Neopor, Kheben, Verkhan, Graizel (Đức), Ytong (Thụy Điển), Xemlcon (Vương quốc Anh), v.v…

Ở Mỹ, do đặc điểm khí hậu và các chính sách ưu tiên phát triển sản xuất sử dụng bê tông khí và bê tông bọt hợp lý nên thị phần của hai dòng sản phẩm này chiếm tới 1/3 trong tổng các công trình xây dựng.

Tại châu Á, giống như các nước Bắc Âu, Trung Quốc cũng ưu tiên phát triển bê tông khí chưng áp AAC sản xuất bằng dây chuyền công nghệ nhập khẩu từ các thương hiệu nởi tiếng châu Âu như HESS, Ytong, v.v…

Các nước Đông Nam châu Á như Thái Lan, Malaysia, Singapor, v.v… là những nước có khí hậu gần giống với khí hậu nóng ẩm ở nước ta, ngay từ những năm đầu của  thế kỷ 21, đã chú trọng phát triển sản xuất và sử dụng bê tông bọt trong xây dựng.

Nhìn chung trên thế giới, công nghệ sản xuất, sử dụng bê tông bọt và bê tông khí trong xây dựng luôn phát triển không ngừng cả về số lượng, chất lượng sản phẩm, cả về thiết bị sản xuất. Ở Việt Nam, năm 2006 Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 79/2006/QĐ-Ttg, phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về sử dụng năng lượng: tiết kiệm và sử dụng hiệu quả, trong đó có định hướng lựa chọn công nghệ sản xuất các sản phẩm công nghiệp nói chung, vật liệu xây dựng nói riêng. Ngày 28 tháng 4 năm 2010 Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 567/QĐ-Ttg, phê duyệt phát triển vật liệu không nung đến năm 2020. Từ đó đến nay ngành vật liệu xây dựng nước ta bước sang thời kỳ mới- thời kỳ của sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng không nung thay thế dần các loại vật liệu truyền thống.

Trong danh mục VLXDKN (như cách gọi ở Việt Nam) có bê tông nhẹ cấu trúc dạng xốp tổ ong còn gọi là bê tông tổ ong, điển hình bằng hai dòng sản phẩm chủ lực là bê tông bọt và bê tông khí chưng áp cũng là những vật liệu ở các nước phát triển sản xuất và sử dụng rộng rãi trong xây dựng hơn 100 năm nay. Tại các nước trong khu vực có khí hậu nhiệt đới gần với khí hậu nóng và ẩm cao ở nước ta như Thái Lan, Malaisia, cũng đã sử dụng vật liệu không nung tới 70 – 80% tổng các loại vật liệu, con số này ở Việt Nam là 5 – 8%, tỷ lệ sử dụng vật liệu nung (gạch, ngói đất sét) là 80%. Mãi  đến năm 2004 cả nước ta duy nhất chỉ có một nhà máy bê tông nhẹ HIDICO, sản xuất bê tông bọt dạng block BTN bằng dây chuyền công nghiệp quy mô pilot, với công suất khiêm tốn 40m3/ngày. Theo số liệu của Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng từ năm 2015 đến năm 2020, hàng năm nhu cầu vật liệu xây ở nước ta sẽ cần từ 24- 33 tỷ viên xây quy chuẩn (QTC). Để có 1 tỷ viên gạch đất sét nung cần có 1,5 triệu mét khối đất sét (tương đương 7,5 hecta đất khai thác ở độ sâu 2 mét) cùng với 150 ngàn tấn than, thải ra môi trường khoảng 0,57 triệu tấn đioxit cacbon (CO2). Như vậy đến năm 2020 lượng đất sét tối thiểu cânf cho sản xuất 33 tỷ viên gạch QTC là 50 triệu mét khối (tương đương 2.500 hecta đất nông nghiệp khai thác ở độ sâu 2 mét) và 5 triệu tấn than để nung gạch, lượng khí dioxit cacbon CO2 tương ứng thải ra môi trường là 19 triệu tấn.

Theo quy hoạch ngành điện và luyện kim, việc phát triển các nhà máy nhiệt điện đến năm 2020 ở nước ta, hàng năm sẽ thải ra 30- 40 triệu tấn tro, xỉ gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của cộng đồng. Vì vậy, việc nghiên cứu sử dụng nguồn phế thải tro, xỉ nhiệt điện, xỉ lò cao luyện gang thép và các phế thải khac của ngành công nghiệp, nông nghiệp để sản xuất vật liệu không nung thay thế vật liệu nung truyền thống trong xây dựng là xu  thế tất yếu, cấp bách hiện nay ở nước ta.

(bài viết cho mục Công nghệ- Tổng quan về tình hình sản xuất bê tông bọt trên TG và VN)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *